1. Khái niệm hiệu quả
Theo từ điển tiếng Việt, hiệu quả là sự phù hợp giữa kết quả thực của một hoạt động so với kết quả dự kiến từ trước.
Hiệu quả giáo dục là sự phù hợp giữa kết quả giáo dục thực tiễn so với các mục tiêu giáo dục. Các kết quả giáo dục thực tiễn thường có mối tương quan chặt chẽ với sự đầu tư cho điều kiện thực hiện (đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, tập trung tài lực, nâng cao vật lực,…) và sự tác động của các hoạt động giáo dục (hình thức tổ chức dạy học, hoạt động dạy và hoạt động học, đổi mới phương pháp dạy và phương pháp học, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục,…).
Do đó khi nói đến hiệu quả giáo dục, người ta thường so sánh kết quả đầu vào thực tiễn với kết quả đầu ra dự kiến (mục tiêu giáo dục) trong mối tương quan với sự đầu tư nguồn lực và sự tác động của các hoạt động giáo dục. Hiệu quả giáo dục sau khi kết thúc một khóa học, lớp học, cấp học được gọi là hiệu quả trong; còn các lợi ích, các giá trị vật chất và tinh thần tạo ra cho xã hội khi ứng dụng các sản phẩm giáo dục được gọi là hiệu quả ngoài.
2. Hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội thể hiện mức độ đóng góp vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội (con người, cộng đồng, giáo dục, nâng cao chất lượng và mức sống người dân,…) trong từng thời kỳ phát triển xã hội cụ thể. Hiệu quả xã hội có thể đánh giá qua so sánh chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu với tác động của kết quả nghiên cứu trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, thu được các lợi ích xã hội.
Hiệu quả hoạt động của một tổ chức xã hội được coi là mức độ đạt mục tiêu của tổ chức đó trong mối tương quan với chuẩn quốc gia/quốc tế, hoặc với các tổ chức khác ngang bằng về đầu vào.