Quản lý là gì?

Quản lý là gì?

Trong lý luận và thực tiễn có rất nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau về Quản lý.

Theo John Bratton, Jeffrey Gold [1, tr.13], quan niệm về Quản lý:

– Quản lý như khoa học: Người quản lý thành công là người đã học tập được hệ thống tri thức và kỹ năng thích hợp;

– Quản lý như nghệ thuật: Người quản lý thành công là người có các đặc tính bẩm sinh thích hợp;

– Quản lý như chính trị: Người quản lý thành công là người có thể triển khai những luật lệ bất thành văn trong tổ chức;

– Quản lý như kiểm soát: Người quản lý thành công là người có thể khai thác, điều khiển nhân viên.

Fredrich Winslow Taylor (1856 -1915), người đại diện cho thuyết quản lý theo khoa học, cho rằng: “Quản lý là biết được chính xác điều bạn muốn người khác làm và sau đó hiểu rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất” [2].

Henry Fayol (1841-1925), theo quan điểm quản lý hành chính: “Quản lý là dự đoán và lập kế hoạch, tổ chức, điều khiển, phối hợp và kiểm tra” [2].

Nguyễn Quốc Chí, theo quan điểm chính trị xã hội: “Quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý về mặt chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế… bằng một hệ thống các luật lệ, các chính sách, các nguyên tắc, các phương pháp và các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra môi trường và điều kiện cho sự phát triển của đối tượng” [3].

Paul Hersey, Ken Blanc Hard (1995), trong “Quản lý nguồn nhân lực” cho rằng “Quản lý là quá trình làm việc cùng và thông qua các cá nhân, các nhóm cũng như những nguồn lực khác để hoàn thành các mục đích tổ chức” [4, tr.12].

Như vậy, Quản lý có thể hiểu nhiều cách xác định khác nhau, song bản chất của vấn đề đó là quá trình tác động có định hướng, có mục đích, có tổ chức của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể (đối tượng) quản lý nhằm giữ cho sự vận hành của tổ chức được ổn định và làm cho nó phát triển đạt được mục tiêu đã đề ra với hiệu quả cao nhất.

—————–

Nguồn trích dẫn:

  1. John Bratton, Jeffrey Gold (2001), Human resource management: theory andpractice, Routledge.
  2. Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2012), Đại cương về quản lý, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Phúc Châu (2003): Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường THPT; luận án tiến sĩ giáo dục, Thư viện Quốc gia Hà Nội.
  4. Paul Hersey, Ken Blanc Hard (1995), Quản lý nguồn nhân lực, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Tham khảo thêm: