Phát triển là gì?
Thuật ngữ phát triển theo triết học là: “biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp”.
Phát triển là quá trình nội tại, là bước chuyển hoá từ thấp đến cao theo đường xoáy trôn ốc. Lý luận của phép Biện chứng duy vật khẳng định: Mọi sự vật, hiện tượng không phải chỉ là sự tăng lên hay giảm đi về mặt số lượng mà cơ bản chúng luôn biến đổi, chuyển hóa từ sự vật hiện tượng này đến sự vật hiện tượng khác, cái mới kế tiếp cái cũ, giai đoạn sau kế thừa giai đoạn trước tạo thành quá trình phát triển, tiến lên mãi mãi.
Nguyên nhân của sự phát triển là ở sự liên hệ tác động qua lại của các mặt đối lập vốn có bên trong các sự vật hiện tượng. Hình thái, cách thức của sự phát triển đi từ những biến đổi về lượng đến những biến đổi chuyển hoá về chất và ngược lại.
Con đường xu hướng của sự phát triển, tiến lên từ từ, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến ngày càng hoàn thiện hơn.
Phát triển có thể là một quá trình thực hiện nhưng cũng có thể là một tiềm năng của sự vật hiện tượng.
Những đặc trưng cơ bản của phát triển được biểu hiện như:
- Sự phát triển của tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có mối liên hệ, tác động qua lại và quy định lẫn nhau;
- Phát triển là quá trình vận động không ngừng;
- Phát triển từ những thay đổi về số lượng được chuyển hoá thành những thay đổi về chất lượng;
- Phát triển thông qua sự đấu tranh giữa các mặt đối lập;
- Phát triển có thể diễn ra bằng cách chuyển hoá, xoáy ốc và nhảy vọt.
Phát triển bền vững
Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước đi lên một cách bền vững gọi là phát triển bền vững. Phải đảm bảo cho nền kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển bền vững được chỉ đạo bằng tư duy lý luận trên cơ sở có sự phát triển bền vững của môi trường. Trong đó phát triển bền vững giáo dục là một vấn đề vô cùng quan trọng vì nó quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế, văn hoá, xã hội.