Tổng quan nghiên cứu thực hiện pháp luật về hòa giải cơ sở

 1. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

Các công trình nghiên cứu liên quan đến thực hiện pháp luật về hòa giải cơ sở gồm:

Thứ nhất, các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan như:

+ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội trong quá trình phát triển xã hội và quản lý xã hội – cơ sở lý luận và thực tiễn” do GS.TS. Võ Khánh Vinh làm Chủ nhiệm, thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Quản lý phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam”, Hà Nội, 2009. Đề tài đã nêu ra những vấn đề lý luận cơ bản về xung đột xã hội, coi đó là một trong những trạng thái thường xuyên của cuộc sống con người. Xung đột xã hội là sự biểu hiện của những mâu thuẫn xã hội khách quan hoặc chủ quan phản ánh sự đối lập giữa các cá nhân, các nhóm, các tầng lớp, các tổ chức xã hội. Tác giả cho rằng có nhiều phương thức để giải quyết xung đột xã hội. Xung đột có thể do chính các bên tham gia tự giải quyết hoặc có sự can thiệp của bên thứ ba. Giải quyết được cuộc xung đột về thực chất là kết quả đạt được do có sự thỏa thuận giữa các bên về vấn đề tranh chấp, trong đó hòa giải được coi là phương thức tối ưu.

+ Luận án tiến sĩ luật học của Đào Thị Xuân Lan, Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại toà án Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, 2004. Luận án đã nêu được một số vấn đề lý luận cơ bản về hòa giải các tranh chấp kinh tế tại tòa án ở Việt Nam sau khi Trọng tài kinh tế nhà nước không còn tồn tại và tòa án đảm nhận nhiệm vụ xét xử các tranh chấp kinh tế, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Luận án tuy không đề cập đến hòa giải ở cơ sở nhưng đã nêu ra một số vấn đề liên quan đến các nguyên tắc và phạm vi hòa giải nói chung, có thể vận dụng khi nghiên cứu Thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

+ Luận án tiến sĩ luật học của Trần Văn Quảng, Chế định Hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam – Cơ sở lý luận và thực tiễn, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2004. Luận án đã hệ thống một số quy định về hòa giải từ thời kỳ phong kiến đến khi ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 và nêu ra những giải pháp hoàn thiện chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam theo hướng bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong các tranh chấp dân sự, hướng tới việc xây dựng chế định hòa giải trong Bộ luật tố tụng dân sự của Việt Nam. Trong luận án đã nêu một số vấn đề về hòa giải cơ sở trong lịch sử và hiện tại, coi đó là một phương thức giải quyết “tiền tố tụng dân sự”, nhất là hòa giải các tranh chấp nhỏ, các vụ hôn nhân và gia đình trước khi đưa ra tòa án giải quyết.

+ Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Pháp luật và thực tiễn Việt Nam và quốc tế về Hòa giải” do Bộ Tư pháp, Dự án JUDGE và Cơ quan phát triển Canada (CIDA) phối hợp tổ chức tại Huế (06-07/01/2009). Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nêu ra các ý kiến khác nhau về hiệu lực của pháp luật hiện hành trong hòa giải ở cơ sở; nêu một số luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật hòa giải ở Việt Nam; vấn đề xây dựng Luật hòa giải chung cho tất cả các lĩnh vực có tranh chấp ở dạng quy định về nguyên tắc và một số quy định chung về phạm vi hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, giá trị pháp lý của biên bản hòa giải…; Đồng thời cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng Luật hòa giải cơ sở riêng, không nên xây dựng Luật hòa giải chung cho mọi loại hình tranh chấp. Hội thảo cũng nêu các ý kiến về những khó khăn và thuận lợi khi xây dựng Luật hòa giải ở cơ sở và vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp của hòa giải viên, khi mà sự hiểu biết pháp luật cần thay thế cho kinh nghiệm thực tiễn của người làm công tác hòa giải ở cơ sở.

+ Đề tài khoa học cấp thành phố “Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện hiện nay” do Học viện Tư pháp chủ trì, PGS.TS. Phan Hữu Thư làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, tháng 3-2010. Đề tài chủ yếu giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở như việc thành lập Ban Hòa giải cấp xã trong khi pháp luật không quy định; kinh phí cho hoạt động hòa giải khó khăn; năng lực hòa giải viên thấp trong khi tính chất phức tạp của tranh chấp, mâu thuẫn đã khác trước rất nhiều; giá trị thỏa thuận hòa giải thấp, ít người thực hiện, nhất là hòa giải các tranh chấp về đất đai.

+ Luận án tiến sĩ luật học của Dương Quỳnh Hoa “Các yếu tố tác động đến quá trình xây dựng hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ở Việt Nam”, Viện Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, 2011. Tác giả luận án nêu ra kinh nghiệm giải quyết tranh chấp ở các nước và đề xuất hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án như trọng tài, hòa giải, thương lượng, tăng cường khả năng sử dụng các hình thức giải quyết tranh chấp, trong đó chú trọng đến những đảm bảo cho việc thực hiện Luật trọng tài thương mại, xây dựng Luật hòa giải thương mại; tăng cường năng lực của các thiết chế giải quyết tranh chấp; tăng cường năng lực của các thiết chế bổ trợ cho việc giải quyết tranh chấp.

Cũng đã có một số công trình nghiên cứu, khảo sát về hòa giải cơ sở tại Việt Nam với tư cách là một khía cạnh của đời sống xã hội dân sự truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đó là Công trình của nhóm tác giả về “Đánh giá xã hội dân sự ở Việt Nam”, Dự án điều tra của Viện Xã hội học – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó coi chế định hòa giải như là một biểu hiện của đời sống xã hội dân sự ở nông thôn Việt Nam.

Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Bộ “ Xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Hà Nội, 2009, do GS,TS. Võ Khánh Vinh làm chủ nhiệm đã đề cập đến một khía cạnh của đời sống xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nêu rõ vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội trong quản lý nhà nước, giải quyết các xung đột và tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có chế định hòa giải.

Đã có một số công trình nghiên cứu, khảo sát ít nhiều liên quan đến hòa giải ở cơ sở như: Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước: “Những đặc điểm tâm lý cơ bản của cộng đồng người ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực này” do GS.TS. Vũ Dũng làm chủ nhiệm, Hà Nội, 2005 và Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước: “Những đặc điểm tâm lý cơ bản của các dân tộc thiểu số Tây Bắc và ảnh hưởng của chúng đến sự ổn định và phát triển ở khu vực này”, cũng do GS.TS. Vũ Dũng làm chủ nhiệm, Hà Nội, 2008 đã phác họa khía cạnh tâm lý dân tộc trong đời sống cộng đồng của mỗi dân tộc (tộc người) ở các khu vực nói trên. Thông qua hai công trình quan trọng và có ý nghĩa này, các nhà quản lý, các nhà lập pháp đã có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cần thiết để hoàn thiện thể chế hòa giải ở Việt Nam, phù hợp với đặc điểm dân tộc từng khu vực nói riêng và toàn quốc nói chung.

Một số công trình khác chỉ đề cập đến một khía cạnh quản lý và triển khai công tác hòa giải ở cơ sở như: “Đánh giá năng lực cán bộ tư pháp cấp tỉnh về quản lý, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở”, trong khuôn khổ Dự án VIE/02/015 “Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010”, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2005;

Thứ hai, các sách chuyên khảo, các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học pháp lý và các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác liên quan đến Hòa giải như:

+ Cuốn sách Công tác hòa giải ở cơ sở do Luật gia Nguyễn Đình Hảo chủ biên, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. Nội dung tập trung vào hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Hà Nội; nêu ra những vướng mắc về cán bộ, về kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ đối với hòa giải viên… Đồng thời đề xuất một số ý kiến về củng cố Tổ hòa giải và tăng cường năng lực cho hòa giải viên ở Thủ đô.

+ Cuốn sách Hòa giải ở cơ sở, nét văn hóa pháp lý của người Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn chủ biên, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2010. Trong sách này, khác với quan niệm của nhiều tác giả khác, Hòa giải được nhìn nhận như một nét văn hoá truyền thống của cộng đồng người Việt cần được bảo tồn và phát huy. Văn hóa hòa giải có chiều sâu, phản ánh đời sống duy tình của người Việt Nam. Một dân tộc có truyền thống nhân văn, bao dung và khoan nhượng. Đây là một hiện tượng xã hội – pháp luật – văn hoá đã thấm vào đời sống của nhân dân hàng thế kỷ nay, chi phối và tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội và nhà nước. Tác giả nêu ra một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận, đó là trước tình hình mới, chế định hòa giải phải tự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, đặc biệt là tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật nhỏ ở cơ sở.

Cuốn “Những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở” của ThS. Quách văn Dương, NXB Tư pháp, năm 2014 đã đề cập toàn diện những nội dung chủ yếu của Luật Hòa giải ở cơ sở, đó là: phạm vi điều chỉnh; phạm vi hòa giải ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở; chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên, Tổ hòa giải; về hoạt động hòa giải ở cơ sở như căn cứ tiến hành hòa giải; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải; phân công hòa giải viên; người được mời tham gia hòa giải; địa điểm, thời gian hòa giải; tiến hành hòa giải; hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau; kết thúc hòa giải; hòa giải thành; thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; hòa giải không thành; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, vai trò của UBND các cấp; của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong hòa giải ở cơ sở.

Các bài viết của PGS. TS. Bùi Quang Dũng về “Giải quyết xích mích trong nhóm gia đình: phác thảo từ những kết quả nghiên cứu định tính”, “Giải quyết xích mích trong nội bộ nhân dân: phác thảo từ những kết quả nghiên cứu định tính”, “Hòa giải ở nông thôn miền Bắc Việt Nam (giả thuyết dành cho một cuộc nghiên cứu)” đăng trên Tạp chí Xã hội học, số 4 năm 2001, số 1 và số 3 năm 2002 là những công trình nghiên cứu sâu về hòa giải từ góc độ xã hội học. Các bài viết trên đã khái quát những đặc điểm chung nhất cho hòa giải cơ sở ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng, nơi truyền thống làng xã thể hiện có chiều sâu văn hóa và rõ nét. Hòa giải ở cơ sở xuất phát từ đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý dân tộc. Nền kinh tế nông nghiệp lúa nước với nhu cầu làm thủy lợi, đắp đê, chống lụt, thêm vào đó là nguy cơ giặc ngoại xâm luôn đe doạ đã khiến cho người Việt sớm hình thành lối sống cộng đồng, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Tác giả cho rằng ngày nay, dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế – xã hội của người Việt Nam, trong đó có khu vực tam giác Sông Hồng có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng truyền thống về hòa giải vẫn được bảo tồn và phát huy. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng cho hòa giải, tạo ra nhiều khả năng và cơ hội cho hòa giải trong điều kiện mới. Từ khi nước ta chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân vì thế ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ đa dạng, phức tạp, như tranh chấp đất đai, tranh chấp về tài sản… Các cơ quan nhà nước không thể và cũng không cần giải quyết tất cả mọi tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội, khi mà người dân có thể tự dàn xếp ổn thỏa.

Các bài viết liên quan đến thực hiện pháp luật hòa giải cơ sở như: Bài viết “Hòa giải cơ sở và vấn đề hoàn thiện pháp luật về hòa giải cơ sở ở Việt Nam” của PGS.TS Hà Hùng Cường (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề pháp luật về hòa giải – năm 2012) đặt ra vấn đề tất yếu khách quan phải hoàn thiện thể chế pháp lý cho hòa giải ở cơ sở trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khi các tranh chấp dân sự, kinh tế ngày càng đa dạng, tăng lên về số lượng, phức tạp hơn về tính chất, nếu không có cơ chế giải quyết hợp lý sẽ gây quá tải cho các cơ quan tư pháp và các cơ quan giải quyết khiếu nại.

Bài viết “Quan điểm xây dựng Luật Hòa giải cơ sở – các nguyên tắc hòa giải cơ sở” của TS. Nguyễn Thúy Hiền (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề pháp luật về hòa giải – năm 2012) nêu ra các quan điểm xây dựng Luật Hòa giải ở cơ sở, đó là: 1) Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhất là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”; 2) Bảo đảm phù hợp với Điều 127 Hiến pháp năm 1992 “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật” và sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam; 3) Nâng cao vị trí, vai trò của xã hội, trước hết là MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục xã hội hóa hoạt động này; 4) Kế thừa Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở năm 1998, đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm hòa giải cộng đồng của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Bài viết “Tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở theo quy định của Pháp lệnh năm 1998 – thực trạng và giải pháp hoàn thiện” của tác giả Nguyễn Duy Lãm, (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề pháp luật về hòa giải – năm 2012) đã đề cập đến những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc ttrong quá trình thực hiện Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở năm 1998 năm 1998 và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó nêu ra hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới.

Bài viết “Công tác hòa giải cơ sở ở tỉnh Long An” của tác giả Nguyễn Văn Lâm, Sở Tư pháp Long An (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề pháp luật về hòa giải – năm 2012) nêu thực trạng về thực hiện pháp luật hòa giải cơ sở ở một tỉnh Nam Bộ là Long An, về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này trong điều kiện chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở sau khi Bộ Tư pháp được tái lập (1981) đến nay.

Bài viết “Đồng thuận xã hội và việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Lan, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6 năm 2006 đã đề cập đến vai trò của đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra, bảo đảm và giữ gìn trật tự, ổn định xã hội, trong đồng thuận có vai trò quan trọng của hòa giải.

Ngoài ra, các tài liệu tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ; một số bài viết về hòa giải ở cơ sở đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và Tạp chí Nghề luật trong những năm gần đây cũng đề cập nhiều đến thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

– Các công trình nghiên cứu kể trên đã đề cập đến những vấn đề chủ yếu sau đây:

+ Hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng được nhìn nhận như một nét văn hoá truyền thống của cộng đồng người Việt cần được bảo tồn và phát huy. Đây là một hiện tượng xã hội – pháp luật – văn hóa đã thấm vào đời sống của nhân dân hàng thế kỷ nay, chi phối và tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội và nhà nước;

+ Đặc điểm, ý nghĩa, vai trò của hòa giải ở cơ sở trong xã hội Việt Nam nhìn từ nhiều chiều cạnh đã được các tác giả nói trên khái quát thành những vấn đề có tính quy luật trong quá trình vận động và phát triển của xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

+ Từ các góc độ khác nhau, các công trình này đã nêu được một số vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc sử dụng hòa giải ở cơ sở như một phương thức giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn và xung đột trong xã hội thông qua phương thức Hòa giải cộng đồng, thông qua thủ tục tư pháp và thông qua phương thức khác phi nhà nước khác.

+ Các công trình này đã nêu ra những giải pháp và kiến nghị chuyên về từng lĩnh vực như Hòa giải ở cơ sở trong tình hình và điều kiện mới. Những kiến nghị này cũng đã được các cơ quan, tổ chức quan tâm, nghiên cứu, tham khảo để sử dụng trong chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến hòa giải.

+ Hòa giải được nhìn nhận như một nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt cần được bảo tồn và phát huy. Đây là một hiện tượng xã hội – pháp luật – văn hóa đã thấm vào đời sống của nhân dân hàng thế kỷ nay, chi phối và tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội và nhà nước.

+ Đặc điểm, ý nghĩa, vai trò của hòa giải trong xã hội Việt Nam nhìn từ nhiều chiều, bên cạnh đã được các tác giả nói trên khái quát thành những vấn đề có tính quy luật trong quá trình vận động và phát triển của xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

+ Từ các góc độ khác nhau, các công trình này đã nêu được một số vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc sử dụng hòa giải như một phương thức giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn và xung đột trong xã hội của cộng đồng.

+ Các công trình này đã nêu ra những giải pháp và kiến nghị chuyên về từng lĩnh vực như hòa giải ở cơ sở, hòa giải thương mại, hòa giải trong lao động, hòa giải trong tố tụng dân sự…. Những kiến nghị này cũng đã được các cơ quan, tổ chức quan tâm, nghiên cứu, tham khảo để sử dụng trong chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến hòa giải.

+ Ngoài ra, các công trình, bài viết còn cho thấy thực trạng của tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở hiện hành và trong giai đoạn hiện nay, hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt xã hội và ngày càng được mọi người quan tâm, chú ý, xem trọng. Vì vậy cần phải hoàn thiện pháp luật về hòa giải cơ sở ở Việt Nam, như: Quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát huy truyền thống dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở phải phù hợp với văn hóa, truyền thống, đạo lý của người Việt Nam; nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải cơ sở.

Nhìn chung, các công trình, bài viết đã trình bày được thực tiễn quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở, thực trạng, những khó khăn vướng mắc và hướng hoàn thiện trong công tác hòa giải cơ sở.

2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Trong thời gian qua, nhất là trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các học giả trên thế giới rất chú trọng nghiên cứu các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, trong đó có phương thức hòa giải. Có thể chia các công trình nghiên cứu ngoài nước có liên quan đến hòa giải thành các nhóm sau đây:

– Thứ nhất, nghiên cứu về phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp nói chung. Có nhiều công trình đã được xuất bản, chẳng hạn như cuốn Mediation: Theory and Practice (Hòa giải: Lý thuyết và thực tiễn) của các tác giả Suzanne McCorkle và Melanie J. Reese (NXB Allyn & Bacon, tháng 5/2004, 240 trang)…. Ngoài ra, còn có thể kể đến nghiên cứu của Ủy ban quốc gia về thống nhất pháp luật tiểu bang của Hoa Kỳ trong quá trình soạn thảo và ban hành Đạo luật Hòa giải thống nhất năm 2001 (Uniform Mediation Act with prefatory note and comments – Đạo luật Hòa giải thống nhất với các chú giải và bình luận). Các công trình này đã nêu lên cơ sở lý luận và thực tiễn trong hòa giải, cũng như nêu lên các tình huống cụ thể đã được hòa giải và trong đó có giải thích, bình luận từng vụ việc.

– Thứ hai, nghiên cứu về các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Về vấn đề này, có rất nhiều công trình được công bố trên các tạp chí khoa học hoặc các sách được xuất bản, ví dụ: Quyển ADR: Law and Practice (Pháp luật và thực tiễn) của tác giả Edward A. Dauer (NXB JurisNet, LLC – tháng 8/2003, 900 trang), Quyển Alternative Dispute Resolution in a nutshell (Sơ lược về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án) của tác giả Jacqueline M. Nolan-Haley (NXB Thomson West; in lần thứ 3, tháng 4/2008, 417 trang) và các bài viết đăng tải trên các tạp chí như: Havard Negotiation Law Review của Trường Luật Harvard (Hoa Kỳ), Journal of Dispute Resolution của Đại học Missouri (Hoa Kỳ), Journal of Dispute Resolution của Đại học Ohio State (Hoa Kỳ), Pepperdine Dispute Resolution Law Journal của Đại học Pepperdine (California – Hoa Kỳ), World Arbitration and Mediation Review… Các bài viết đã nêu lên quy định của pháp luật và thực tiển trong việc giải quyết các tranh chấp ngoài Tòa án và hiệu quả của nó nếu các bên tự thỏa thuận được mà không phải đến các cơ quan chức năng để giải quyết.

– Thứ ba, nghiên cứu so sánh về hòa giải và xu hướng phát triển của hòa giải trên thế giới. Đây là một hướng nghiên cứu mới được triển khai trong những năm gần đây. Một trong những học giả tiên phong của thế giới trong nghiên cứu so sánh về hòa giải là Giáo sư Nadja Alexander của Đại học Queensland (Ôx-trây-lia) – thành viên Hội đồng Cố vấn quốc gia về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của Ôx-trây-lia (viết tắt là NADRAC), với các công trình tiêu biểu như “Mediation in Practice: Common Law and Civil Law Perspectives Compared” (Hòa giải trong thực tiễn: So sánh giữa hệ thống Common Law và hệ thống Civil Law) (Tạp chí International Trade and Business Law Annual, 2001); “Mediation and the Art of Regulation” (Hòa giải và nghệ thuật xây dựng các quy phạm điều chỉnh) (Tạp chí QUT Law and Justice Journal, 2008). Hòa giải đã được nghiên cứu, đánh giá và so sánh tác dụng của nó trong việc giải quyết các vụ việc ở các quốc gia trên thế giới và thông qua các vụ việc trong hòa giải, được xem là tiền đề để ban hành văn bản quy phạm điều chỉnh.

Các công trình nghiên cứu ngoài nước đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, thể hiện những đặc điểm khác nhau của hòa giải ở mỗi nước, như: Đã nêu lên sự cần thiết, cơ sở pháp lý của hòa giải cũng như thực tiễn hòa giải trong cộng đồng và tác dụng của nó trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp ngoài Tòa án, đặc biệt là so sánh thời gian, chi phí đi lại để giải quyết vụ việc; hiện nay các quốc gia trên thế giới ưu tiên là hòa giải khi có tranh chấp xảy ra trước khi đưa đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông qua hòa giải mà các cơ quan ban hành văn bản quy phạm chung để điều chỉnh các vấn đề trong xã hội. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là muốn định chế hòa giải phải được tăng cường hơn nữa, thâm nhập sâu vào đời sống hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Qua các công trình nghiên cứu về hòa giải ở cơ sở (hòa giải nhân dân, hòa giải cộng đồng) cho thấy, hòa giải ở cơ sở chủ yếu được thực hiện ở các nước châu Á. Bởi lẽ hòa giải ở cơ sở là một nét đặc thù văn hóa của đã tồn tại từ lâu đời trong các cộng đồng làng xã nông nghiệp cổ truyền và nay tiếp tục được duy trì, phát huy với việc thể chế hóa thành luật và sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước về chuyên môn cũng như kinh phí hoạt động. Hòa giải nhân dân ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là hòa giải tranh chấp giữa nhân dân với nhau, được thực hiện bởi Ủy ban hòa giải nhân dân, thuộc hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải nhân dân ở Bản của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do Tổ hòa giải cấp bản thực hiện. Tổ hòa giải có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, làm cho nhân dân trong bản có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện pháp luật; hòa giải tranh chấp về quan hệ dân sự, thương mại, quan hệ gia đình. hòa giải cơ sở ở Philippin là hệ thống được thiết lập ở đơn vị hành chính nhỏ nhất ở Philippin (barangay – tương tự như thôn, làng). Cơ chế này được thực thi bởi hội đồng hòa giải cơ sở (Lupong Tagapamayapa) – một cơ quan bao gồm người đứng đầu barangay làm chủ tịch (Punong Barangay, tương tự như trưởng thôn) và từ 10-20 thành viên cư trú hoặc làm việc ở barangay, đều là những người có uy tín và công tâm, do trưởng thôn lựa chọn. Hòa giải cộng đồng ở Singapore được tổ chức theo mô hình trung tâm hòa giải cộng đồng mang tính chuyên nghiệp, tuy nhiên thành phần hòa giải vẫn chủ yếu là những người có uy tín trong cộng đồng. Các dạng tranh chấp phổ biến được hòa giải là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau liên quan đến không khí hay tiếng ồn, tranh chấp do hiểu lầm, gây gổ đánh nhau giữa người dân và các chủ cửa hàng, cửa hiệu. Hòa giải ngoài tòa án ở Malaysia được thực hiện thông qua Trung tâm Hòa giải của Hội đồng luật sư (BCMMC). Trung tâm cung cấp những dịch vụ hòa giải, trợ giúp các bên thoả thuận về hòa giải.

______

Đồng Việt Phương

Tham khảo thêm:

Leave a Reply