Tổng quan tình hình nghiên cứu tín dụng ngân hàng

An toàn, hiệu quả và bền vững luôn là mục tiêu mà mọi ngân hàng hướng tới. Có thể nói, sự yếu kém trong hệ thống ngân hàng của một nước, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều có thể đe dọa sự ổn định tài chính của nước đó và tác động đến các nước khác trên trường quốc tế. Mở cửa và hội nhập là xu thế tất yếu mang tính thời đại. Hoạt động ngân hàng ngày càng chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Muốn vậy, cách tốt nhất để tiếp cận, tham gia vào quá trình hội nhập là các ngân hàng thương mại phải thực hiện lành mạnh hóa tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Vấn đề nâng cao chất lượng tín dụng nói riêng và vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung, đã được nhiều nhà kinh tế trên thế giới và trong nước nghiên cứu ở nhiều góc độ và nhiều khía cạnh khác nhau.

1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

1.1. Những nghiên cứu về hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng

Tín dụng ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng đối với mỗi ngân hàng thương mại. Vì vậy, quản lý hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng (RRTD) là vấn đề được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo ngân hàng cũng như của nhiều nhà nghiên cứu. Đến nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu lý thuyết và các mô hình quản lý RRTD. Nổi bật nhất là những nghiên cứu về các vấn đề sau:

Nghiên cứu của World Bank:“World Bank lending for lines of credit: An IEG evaluation – Cho vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới: Đánh giá độc lập” (2006), đã đưa ra đánh giá tình hình cho vay của ngân hàng Thế giới đối với các dòng tín dụng trong các năm tài chính từ 1993-2003; nghiên cứu xu hướng trong cho vay, báo cáo và giám sát dòng tín dụng theo chính sách của ngân hàng. Cơ sở của việc đánh giá là nghiên cứu của nhóm đánh giá độc lập (IEG) trên tất cả các dòng tín dụng.

Vấn đề về dòng tiền, quản lý dòng tiền là nội dung trọng tâm, xuyên suốt được tác giả Glen Bullivant trong “Credit Management” (2010) đưa ra phân tích. Công tác kiểm soát tín dụng được đề cập một cách chi tiết bao gồm: hướng dẫn về chính sách tín dụng; quản lý các chức năng tín dụng; đánh giá RRTD; quản lý và mô hình hóa; bảo hiểm tín dụng; tín dụng xuất khẩu; tín dụng tiêu dùng; luật tín dụng và các dịch vụ tín dụng.

Thực trạng tín dụng tại Hàn Quốc và Thái Lan những năm sau khủng hoảng 1997-1998 đã được Valderama, D. nghiên cứu trong “Credit Situation in Korea and Thailand after the crisis years 1997-1998” (2004). Chính phủ Hàn Quốc và Thái Lan đã cố gắng thúc đẩy kinh tế bằng việc mở rộng tín dụng trong nước. Nghiên cứu đã chỉ ra mối lo ngại lớn về việc mở rộng tín dụng một cách nhanh chóng liệu có đảm bảo đồng vốn được sử dụng và phân phối một cách hiệu quả không, nhất là khi các ngân hàng không thể kiểm soát việc phân phối tín dụng một cách hiệu quả.

Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đã đưa ra các khuyến nghị về đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Basel I (1998) nhằm giới thiệu hệ thống đo lường vốn và một phương pháp chung để ngân hàng chủ động đối mặt với rủi ro chất lượng tài sản có mà ngân hàng đang nắm giữ. Hiệp ước Basel II (2004) thì lại đưa ra nhiều phương pháp đo lường RRTD; quy trình và công cụ quản lý RRTD như: Nhận biết rủi ro thông qua hệ thống các dấu hiệu tài chính, phi tài chính và hệ thống xếp hạng nội bộ; đo lường rủi ro thông qua chính sách tín dụng, quản lý danh mục cho vay và phát sinh tín dụng; đo lường rủi ro thông qua mô hình giá trị chịu RRTD (VaR). VaR là một khái niệm được biết đến và sử dụng rộng rãi trong ngân hàng và bảo hiểm. VaR đo lường mức tổn thất tiềm tàng qua một khoảng thời gian nhất định ứng với độ tin cậy cho trước. Một số mô hình ứng dụng VaR đối với RRTD như mô hình CreditMetrics (Gupton, Finger & Bhatia, 1997), mô hình CreditPortfolioView (Wilson, 1998) và mô hình iTransition (Allen & Powell, 2008).

Luận án nghiên cứu của Pham Huu Hong Thai: “Access to bank loans in transition economies: An application to Vietnam – Tiếp cận với vốn vay ngân hàng tại các nền kinh tế chuyển đổi: Bài học đối với Việt Nam” (Birmingham, 2007). Luận án đã phân tích vốn vay ngân hàng trong nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam. Sử dụng số liệu ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam thông qua phương pháp phân tích mô hình kinh tế lượng. Bên cạnh đó, luận án cũng chỉ ra rằng các ngân hàng thương mại nhà nước (ngân hàng thương mại nhà nước) ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) vay vốn mặc dù các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Các nghiên cứu trên nhìn chung đã nghiên cứu khá chuẩn mực và toàn diện về quản lý và mô hình đo lường RRTD cũng như việc hình thành các điều kiện đảm bảo cho việc xây dựng các mô hình đo lường và kiểm soát RRTD.

1.2. Những nghiên cứu về chất lượng tín dụng và nợ xấu

Đến nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng và cơ cấu tín dụng. Đặc biệt là nợ xấu cũng được nhiều tác giả nghiên cứu. Điển hình là các công trình sau:

Các loại nợ tín dụng, tính chất của các khoản nợ; các phương pháp đòi nợ khi người vay không có khả năng trả đã được tác giả T.C. Puckett đề cập trong cuốn sách “Credit problems: A Handbook for social service workers – Vấn đề tín dụng: Cẩm nang cho những người làm dịch vụ xã hội” (1978). Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập đến sự can thiệp của toà án trong việc đòi nợ, cách xử lý khi con nợ bị phá sản và hiệu quả của các biện pháp trên.

Nghiên cứu đưa ra minh chứng về các nhân tố tác động tới chất lượng tín dụng của ngân hàng đã được Ralf Ewert and Gerald Schenk nghiên cứu và kiểm chứng bằng một số ngân hàng của Đức – “Determinants of bank lending performance in Germany” (2000). Theo đó, các nhân tố tác động đến chất lượng tín dụng bao gồm: Nhân tố thuộc về doanh nghiệp như xếp hạng tín dụng, các hệ số tài chính…; nhân tố về hoạt động tín dụng như các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, đảm bảo tiền vay, cạnh tranh tín dụng và đặc biệt là quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Cũng về thị trường tài chính và tín dụng của Đức, Elsas, R.; Krahnen, J-P. (1998):“Is relationship lendingspecial? Evidence from Credit-File data in Germany” đã nghiên cứu mối quan hệ tín dụng và kiểm chứng đối với dữ liệu tín dụng của Đức. Thị trường tài chính Đức được biết đến hệ thống ngân hàng tồn tại vững chắc dựa trên mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Tác giả sử dụng dữ liệu xếp hạng tín dụng đánh giá chất lượng khách hàng vay và thông tin trên cơ sở đánh giá nội bộ của ngân hàng để điều chỉnh mức độ mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng quyết định đến chất lượng tín dụng, cụ thể là cam kết tín dụng dài hạn và tạo mức hiệu quả cho vay cao.

Nir Klein (2013) “Non-Performing Loans in CESEE: Determinants and Impact on Macroeconomic Performance” cho rằng ngân hàng cần đảm bảo tránh được việc cho vay quá mức, duy trì chất lượng tín dụng cao và hạn chế cho vay ngoại tệ đối với những khách hàng vay không có tài sản bảo đảm hay các công cụ hạn chế rủi ro. Thêm vào đó, những áp lực mà nợ xấu gây nên cho nền kinh tế nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu và làm trong sạch các khoản cho vay của ngân hàng. Trong đó, việc xử lý nợ xấu cần đảm bảo lợi ích của cả người đi vay và người cho vay. Một số gợi ý chính sách trong việc giải quyết nợ xấu được tác giả đề cập đến là các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những biện pháp linh hoạt và chủ động hơn, bao gồm giảm thuế, loại bỏ trở ngại pháp lý để giúp ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng mà theo Nir Klein, nợ xấu tăng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những yếu tố khác của nền kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng kinh tế thực, tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát; do đó khẳng định quan điểm cho rằng không thể có được sự tăng trưởng bền vững và lành mạnh nếu không có một hệ thống ngân hàng bình ổn và hiệu quả. Cũng từ quan điểm này, việc loại bỏ nợ xấu là điều kiện cần thiết để cải thiện tình trạng của nền kinh tế. Nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại và tăng cao thì nguồn lực bị tắc nghẽn tại những khu vực không mang lại lợi nhuận, kiềm chế sự phát triển của nền kinh tế và làm suy giảm hiệu quả kinh tế.

Vấn đề nợ xấu ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân phá sản của ngân hàng bắt đầu từ nợ xấu tăng cao, chất lượng tài sản kém. Điển hình là nghiên cứu của Dermirgue-Kunt (1989), “The Determinants of Banking Crises in Developing and Developed Countries”. Ngay cả khi ngân hàng không sụp đổ vì nợ xấu thì nợ xấu cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng: Kwan và Eisenbeis (1994), “An analysis of inefficiencies in banking: a stochastic cost frontier approach”; Hughes và Moon(1995), “Measuring bank efficiency when managers trade return for reduced risk”; Resti, A. (1995), “Linear programming and econometric methods for bank efficiency evaluation: an empirical comparison based on a panel of Italian banks”.

Các nghiên cứu trên đã đưa ra được các quan điểm về tăng trưởng tín dụng, cơ cấu tín dụng, nợ xấu, tác động của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng và cả nền kinh tế. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.

1.3. Các nghiên cứu về cải cách ngân hàng

Theo các tác giả Claudia Dziobek, Ceyla Pazarbasioglu (1998), “ Lessons from Systemic Bank Restructuring”, cải cách ngân hàng nhằm cải thiện hoạt động ngân hàng, cụ thể là duy trì khả năng thanh toán và lợi nhuận, nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong vai trò là trung gian tài chính, và duy trì niềm tin của công chúng. Nói cách khác, tái cơ cấu tài chính cố gắng duy trì khả năng thanh toán bằng cách cải thiện bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Một ngân hàng có thể cải thiện bảng cân đối tài sản của mình thông qua việc tăng vốn (nhận tiền mặt từ chủ sở hữu, hoặc từ Chính phủ), hoặc giảm tài sản nợ (xóa hoặc giảm nợ), hoặc tăng giá trị tài sản có (tăng giá trị hồi phục các khoản vay và bảo lãnh có vấn đề). Tái cơ cấu hoạt động tác động đến lợi nhuận ngân hàng. Các biện pháp bao gồm chú trọng đến chiến lược kinh doanh, cải thiện hệ thống quản lý và kế toán, các kỹ thuật phê chuẩn khoản vay và đánh giá tín dụng tốt hơn. Chi phí hoạt động có thể cắt giảm thông qua việc giảm các chi nhánh và các nhân viên. Nhằm nâng cao vai trò trung gian tài chính của ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng có nghĩa là tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định thận trọng. Một số các giải pháp khác như cung cấp bảo hiểm tiền gửi và vai trò người cho vay cuối cùng cũng thật sự cần thiết.

Cải cách hệ thống ngân hàng đã có những tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, nghiên cứu của Okazaki, K. (2007), “Banking System Reform in China: The Challengges of Moving Toward a Market-Oriented Economy” về cải cách hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc cho thấy rằng: Tính đến cuối năm 2010, đã có 16 ngân hàng thương mại (5 ngân hàng thương mại lớn, 8 Ngân hàng thương mại cổ phần (ngân hàng thương mạiCP), 3 ngân hàng thành phố) đăng ký trên sàn giao dịch chứng khoán tại Thượng Hải và Thẩm quyến. Chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng được nâng cao. Điều này chủ yếu nhờ hỗ trợ của Chính phủ trong việc xóa nợ xấu của các ngân hàng thương mại lớn. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại lớn chiếm khoảng 60% tổng tài sản của khu vực ngân hàng Trung Quốc, giảm từ 23,1% năm 2002 xuống còn 1,2% năm 2010. Tỷ lệ an toàn vốn đã được nâng cao nhờ Chính phủ bơm vốn và các ngân hàng tự huy động vốn. Đến cuối năm 2009 tất cả các ngân hàng thương mại đã thỏa mãn điều kiện về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Tỷ lệ an toàn vốn trung bình có trọng số của các ngân hàng thương mại cuối năm 2009 đạt 11,4%. Phần lớn các ngân hàng thương mại đạt kết quả hoạt động khả quan. Tính trung bình năm 2009, 82% lợi nhuận từ thu nhập lãi suất, 13% từ thu nhập các loại phí. Điều này chủ yếu do tăng trưởng vốn huy động, mặc dù chênh lệch lãi suất cho vay và huy động được thu hẹp năm 2009 chỉ còn khoảng 2 điểm %.

Về kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng của các nước. Trong bài viết: “Lessons from Systemic Bank Restructuring: A Survey of 24 countries – Bài học từ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: khảo sát 24 nước”, các tác giả Claudia Dziobek, Ceyla Pazarbasioglu (1998) đã nghiên cứu kinh nghiệm của 24 nước trên thế giới tiến hành cải cách từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990, bao gồm 4 nước công nghiệp, 15 nước đang phát triển và 5 nước có nền kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Các tác giả đánh giá hai khía cạnh hoạt động của ngân hàng là khả năng thanh toán (dựa trên các chỉ số: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng khoản vay và tỷ lệ vốn trên tài sản có) và lợi nhuận ổn định. Đồng thời, các tác giả sử dụng 6 chỉ số nhằm đo lường sự cải thiện về vai trò trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng, đó là: Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân so với tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP); tỷ lệ M2/GDP; sự thay đổi về chênh lệch lãi suất; tín dụng ngân hàng so với GDP (% GDP); thay đổi về lãi suất thực tế; và các kinh nghiệm xử lý các vấn đề ngân hàng hiện hành. Trên cơ sở các chỉ số này, các tác giả chia 24 nước được khảo sát thành 3 nhóm: Nhóm 1 có những tiến bộ đáng kể trong tái cơ cấu ngân hàng (Peru, Philippines, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Côte d’Ivoire); nhóm 2 có những tiến bộ ở mức trung bình trong tái cơ cấu ngân hàng (Chi Lê, Ai Cập, Phần Lan, Ghana, Hungary, Hàn Quốc, Ba Lan); nhóm 3 là nhóm ít có cải thiện/thay đổi chậm trong tái cơ cấu ngân hàng (Kuwait, Tanzania).

Carl-Johan Lindgren, Tomas J.T.Balino, Charles Enoch, Anne-Marie Gulde, Marc Quintyn, and Leslie Teo. (1999) “ Financial Sector Crisis and Restructuring: Lessons from Asia” đã cho thấy vào cuối thập kỷ 90, Châu Á đã bị suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra ở Thái Lan sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn khu vực. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng này là sự đảo chiều một cách đột ngột của các luồng vốn (Năm 1995, luồng vốn ròng đổ vào các nư­ớc Châu Á bị khủng hoảng vào khoảng trên 6% GDP nhưng đến năm 1997 luồng vốn rút ra khỏi các nước này lên tới 2% GDP và tăng lên đến 5% GDP vào năm tiếp theo). Phân tích này cũng chỉ rõ nguyên nhân sâu xa là sự yếu kém về cơ cấu đã đẩy các nền kinh tế đến chỗ dễ bị tổn thư­ơng khi luồng vốn bị rút ra đột ngột. Khu vực tài chính yếu kém với những khoản nợ khó đòi chồng chất; khu vực doanh nghiệp vay nợ quá nhiều và một số lĩnh vực đầu t­ư quá mức như­ bất động sản; việc quản trị công ty không minh bạch đã làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu t­ư và làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Thêm vào đó, nhiều nước như­ Hàn Quốc, Thái Lan vẫn dựa vào cơ chế quản lý tỷ giá cứng nhắc dẫn đến những chính sách sai lệch và làm tăng nạn đầu cơ.

Tóm lại, các nghiên cứu ở nước ngoài đã khai thác nhiều khía cạnh về thực tiễn tái cơ cấu ngân hàng, vấn đề tín dụng và chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại ở các nước trên thế giới thời kỳ trước và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổng kết những vấn đề mang tính thực tiễn cao. Các công trình trên thực sự là những tài liệu tham khảo tốt trong quá trình triển khai nghiên cứu luận án này.

2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Trong thời gian qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước về hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung, nghiên cứu về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có vấn đề chất lượng tín dụng và nợ xấu nói riêng. Các công trình nghiên cứu đó có thể chia thành các nhóm vấn đề chính sau:

2.1. Nghiên cứu thực trạng của hệ thống ngân hàng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới hệ thống ngân hàng

Công trình nghiên cứu của tác giả Phạm Thanh Bình về: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” (2005), nghiên cứu chỉ rõ tác động trực tiếp, gián tiếp của hội nhập kinh tế quốc tế đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam; đưa ra đánh giá thực trạng về năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng theo các khía cạnh: Thực trạng năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu, khả năng phòng ngừa chống đỡ rủi ro, khả năng sinh lời); thực trạng năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam (năng lực huy động vốn, năng lực tín dụng và đầu tư, năng lực phát triển dịch vụ); thực trạng về tổ chức bộ máy, quản trị điều hành; và thực trạng năng lực công nghệ thông tin, tin học ngân hàng. Đề tài đưa ra định hướng và các nhóm giải pháp (Nhóm giải pháp tài chính, nhóm giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhóm giải pháp phát triển sản phẩm dịch vụ, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, và nhóm giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đến năm 2010. Có thể nói, đề tài đã phác họa một bức tranh khá hoàn chỉnh về năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, cũng như đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, các đánh giá về năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam được đưa ra vào thời điểm trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu, và chưa theo các chuẩn mực quốc tế mới (Basel), đồng thời các định hướng và giải pháp chỉ giới hạn đến năm 2010.

Nghiên cứu về thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam (bao gồm hệ thống Ngân hàng Trung ương (NHTW), hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng), trên cơ sở đó đề xuất các nhóm giải pháp nhằm cải cách toàn diện hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đã được Vũ Thị Liên (2007): “Cơ sở khoa học và giải pháp cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” phác họa bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên, các đánh giá về thực trạng hệ thống ngân hàng chưa theo các chuẩn quốc tế mới, chưa có những đánh giá về rủi ro của hệ thống ngân hàng và các giải pháp cải cách ngân hàng của đề tài được đưa ra vào thời điểm trước khủng hoảng ngân hàng, trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta và thị trường tài chính thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải tiếp tục đổi mới để thực hiện tốt vai trò là trung gian tài chính, là “huyết mạch” về vốn của nền kinh tế.

Còn với đề tài: “Những giải pháp để hệ thống Ngân hàng Thương mại Việt Nam tiếp cận và áp dụng hệ thống chuẩn mực đánh giá an toàn ngân hàng theo Thoả ước Basel”( 2004), tác giả Tô Ánh Dương lại đánh giá an toàn ngân hàng theo ba “trụ cột” của Hiệp ước Basel, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam an toàn, bền vững và hiệu quả.

2.2. Nghiên cứu về nợ xấu của ngân hàng thương mại và kinh nghiệm các nước về xử lý nợ xấu

Trong những năm gần đây, nợ xấu là vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm, điển hình là một số công trình sau:

Lê Xuân Nghĩa trong công trình nghiên cứu: “Xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam theo thông lệ quốc tế” (2007) đã đưa ra các tiêu chí phân loại nợ chung nhất được áp dụng phổ biến ở các nước đang phát triển trên thế giới, cũng như quy trình phân loại nợ, phòng ngừa, xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại theo thông lệ quốc tế. Dự án còn phân tích thực trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2000 – 2005 và đề xuất các giải pháp xử lý, phòng ngừa nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh việc nghiên cứu kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số nước, tác giả Ngô Trí Long trong bài viết: “Nợ xấu và giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay” (2012) đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của nợ xấu, tác giả đưa ra quan điểm và đề xuất một số giải pháp về xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam.

Vũ Đình Ánh trong bài viết: “Vấn đề nợ xấu nhìn từ cơ cấu tín dụng ngân hàng Việt Nam” (2012) đã xem xét vấn đề nợ xấu nhìn từ cơ cấu tín dụng ngân hàng Việt Nam, phỏng đoán gián tiếp cơ cấu của nợ xấu ngân hàng thông qua phân tích cơ cấu tín dụng ngân hàng Việt Nam. Cụ thể là: Cơ cấu tín dụng theo thành phần kinh tế; cơ cấu tín dụng theo lĩnh vực kinh tế; cơ cấu tín dụng theo khu vực ngân hàng.

Tổng kết kinh nghiệm hoạt động của các công ty mua bán nợ (AMC) tại Hàn Quốc, Séc, Mỹ, Trung Quốc, Ba Lan. Đồng thời đi sâu phân tích các phương pháp xử lý nợ xấu mà những công ty này thực hiện đã được làm rõ thông qua bài viết của các tác giả Đinh Xuân Hà và Nguyễn Thùy Linh (2012): “Các công ty mua bán nợ trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Kinh nghiệm một số nước và những bài học”. Đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong việc tổ chức thành lập và quản lý công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Nhóm tác giả của Bộ Tài Chính (2012) nghiên cứu về “Kinh nghiệm quốc tế trong xử lý nợ xấu ngân hàng” đã đề cập tới các quy định và thông lệ quốc tế về phân loại nợ xấu; Mô hình xử lý nợ xấu; Phương thức và cơ chế xử lý nợ xấu của một số quốc gia trên thế giới.

Nghiên cứu của Tô Ngọc Hưng (2012): “Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam” đã chỉ ra những yếu kém của các ngân hàng thương mại dẫn đến tình trạng nợ xấu cũng như giải pháp xử lý nợ xấu của một số nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary… Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tuy nhiên, các bài viết này mới chỉ nhìn nhận vấn đề nợ xấu ở một khía cạnh nào đó chứ chưa mang tính chất hệ thống. Công trình nghiên cứu của TS. Lê Xuân Nghĩa khái quát hơn cả nhưng tập trung chủ yếu vào các vấn đề lý luận và thực tiễn xử lý các khoản nợ xấu trước năm 2000 và giai đoạn 2000-2005 của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong giai đoạn này, các ngân hàng thương mại Việt Nam chủ yếu chỉ tập trung vào tái cơ cấu tài chính.

2.3. Nghiên cứu về chất lượng tín dụng và rủi ro tín dụng

Trong thời gian qua, đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề tín dụng và chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại.

Luận án Tiến sĩ: “Những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam” của Trần Thị Hồng Hạnh (1996) đã nghiên cứu về chất lượng tín dụng, phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới cơ chế quản lý chất lượng hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, Luận án mới chỉ nghiên cứu thực trạng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước trong giai đoạn 1990-1996 khi chưa có Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật các TCTD và chưa cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Nghiên cứu hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tín dụng, thực trạng hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả tín dụng, tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại khi hội nhập kinh tế diễn ra là nội dung Luận án: “Các giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” của Trầm Thị Xuân Hương (2004).

Rủi ro ngân hàng rất đa dạng và có thể phân tích theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trong phạm vi hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, những loại rủi ro sau đây được coi là những rủi ro cơ bản: (i) Rủi ro tín dụng; (ii) Rủi ro thanh khoản; (iii) Rủi ro thị trường bao gồm rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối và rủi ro về giá của chứng khoán đầu tư; (iv) Rủi ro tỷ giá hối đoái; và (v) Rủi ro hoạt động. Phần dưới đây chủ yếu tập trung vào một số công trình nghiên cứu về RRTD. Luận án Tiến sĩ của tác giả Nguyễn Hữu Thủy (1997): “Những giải pháp chủ yếu hạn chế rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” đã đề cập đến việc mở rộng quy mô tín dụng vượt quá khả năng quản lý, điều hành của ngân hàng thương mại và những nguyên nhân của nó. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm hạn chế và ngăn ngừa RRTD. Tuy nhiên, luận án nghiên cứu trong giai đoạn 1994-1996 khi nền kinh tế Việt Nam còn chưa mở cửa. Hơn nữa, luận án chưa đưa ra được mô hình quản lý RRTD cụ thể cho các ngân hàng Việt Nam.

Luận án Tiến sĩ của tác giả Nguyễn Đức Tú (2012): “Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam” đã đánh giá những kết quả và tồn tại trong quản lý RRTD của Ngân hàng Công Thương. Từ đó, đưa ra giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý RRTD tại ngân hàng này.

Công tác quản trị rủi ro tín dụng đặc biệt được coi trọng. Công trình nghiên cứu của Lê Thị Kim Nga (2005): “Giải pháp nâng cao chất lượng quản trị rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong những năm trước mắt” đã hệ thống hóa những nội dung cơ bản về quản trị RRTD của ngân hàng thương mại; đánh giá thực trạng công tác quản trị RRTD tại các ngân hàng thương mại Việt Nam; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản trị RRTD, đặc biệt công trình nghiên cứu đã đề xuất khung quản trị RRTD cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tác giả Lê Đức Thọ trong: “Hoạt động tín dụng của hệ thống Ngân hàng Thương mại Nhà nước ở nước ta hiện nay” (2005) đã hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại, phân tích rõ vai trò quan trọng hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế, đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước và các khuyến nghị đưa ra nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước. Luận án Tiến sĩ của tác giả Lê Thị Huyền Diệu (2010): “Luận cứ khoa học về xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” đã tiếp cận, luận giải vấn đề quản lý RRTD và mô hình quản lý RRTD trên các góc độ riêng lẻ và tổng thể. Đồng thời, luận án đã phân tích thực trạng RRTD và mô hình quản lý RRTD tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một mô hình quản lý RRTD cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

2.4. Vấn đề tái cơ cấu ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2005) đã tổ chức hội thảo khoa học về “Tái cơ cấu ngân hàng thương mại Nhà nước: Thực trạng và triển vọng”, các bài viết tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: (i) Tái cơ cấu tài chính các ngân hàng thương mại nhà nước; (ii) Tái cơ cấu tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại nhà nước; (iii) Kinh nghiệm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại của các nước trên thế giới, cụ thể: Kinh nghiệm về xử lý nợ xấu; kinh nghiệm về tái cấp vốn; kinh nghiệm về cơ cấu lại sở hữu, sáp nhập; và (iv) Đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước (giải pháp xử lý nợ tồn đọng, nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước; giải pháp bổ sung vốn điều lệ và tăng vốn tự có của ngân hàng thương mại nhà nước; giải pháp nâng cao năng lực quản trị điều hành; giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro).

Tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cơ cấu lại đối với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, đưa ra các giải pháp phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế về tài chính của Việt Nam là nội dung Luận án TS của Cao Thị Ý Nhi (2007): “Cơ cấu lại ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Luận án TS của Nguyễn Quỳnh Hoa (2014): “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” nghiên cứu về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trên các khía cạnh: Tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc hệ thống quản trị và tái cấu trúc sở hữu.

Tóm lại, trong thời gian qua, vấn đề chất lượng tín dụng, vấn đề nợ xấu, cũng như hoạt động tín dụng và tái cơ cấu ngân hàng đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu lớn như công trình nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp bộ hoặc luận án tiến sỹ mới chỉ tập trung vào một vấn đề nào đó như: Hoạt động ngân hàng, tín dụng ngân hàng hoặc tái cơ cấu ngân hàng mà chưa có sự nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về mối quan hệ giữa chất lượng tín dụng và tái cơ cấu ngân hàng. Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu toàn diện hơn trên phương diện lý luận và thực tiễn về chất lượng tín dụng, trong đó có vấn đề nợ xấu trong điều kiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, đưa ra các gợi ý chính sách, các giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu và của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong điều kiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đây cũng là mong muốn của tác giả luận án nhằm góp phần “lấp đầy” những “khoảng trống” này. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính cơ bản, luận án phân tích và mô tả vấn đề chất lượng tín dụng trong điều kiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua số liệu được công bố từ những nguồn đáng tin cậy. Kết hợp với việc quan sát, phỏng vấn và tổng hợp của tác giả, luận án làm rõ mối quan hệ tương quan giữa chất lượng tín dụng và tái cơ cấu ngân hàng. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm giúp cho các ngân hàng thương mại nâng cao được chất lượng tín dụng trong điều kiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

————-

Đào Thị Lan Hương

Tham khảo thêm:

Leave a Reply